Vì sao bóng đá nữ Philippines lột xác?
Có tới 22 trong số 27 cầu thủ Philippines được đăng ký dự AFF Cup nữ 2022 là Phi kiều và sinh trưởng ở nước ngoài.
Tối 17/7, Philippines hạ Thái Lan 3-0 ở chung kết AFF Cup nữ 2022 với thế trận áp đảo. Đây không chỉ là chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của họ, còn là lần đầu tuyển nữ Philippines đoạt danh hiệu ở bất cứ giải nào.
Cả 11 cầu thủ Philippines đá chính trận đó đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, giống như thủ môn Đặng Văn Lâm ở đội tuyển Việt Nam. Họ đều là cầu thủ lai, chủ yếu mang nửa dòng máu Mỹ, với thể hình và thể lực tốt hơn mặt bằng chung Đông Nam Á.
Thực tế, HLV Alen Stajcic điền tên 22 cầu thủ lai vào danh sách dự giải. Tức là ông có thể xoay vòng toàn bộ đội hình để đáp ứng mật độ thi đấu hai ngày mỗi trận tại giải, mà vẫn đảm bảo trọn vẹn cầu thủ lai ra sân.
Trong 22 cầu thủ này, có 19 người sinh trưởng ở Mỹ. Họ đều có bố hoặc mẹ là người Philippines, và cùng mang hai dòng máu. Ba cầu thủ còn lại lớn lên ở Australia, Canada và Na Uy. Năm cầu thủ thuần Philippines gần như không được thi đấu.
Thể thao Philippines xưa nay chỉ nổi tiếng với các môn “3b”, đó là bóng rổ, boxing và billiards. Bóng đá, đặc biệt là bóng đá nữ, chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn. Họ không vượt qua vòng bảng AFF Cup nữ trong chín kỳ đầu tiên góp mặt. Chỉ khi Liên đoàn Bóng đá Philippines (PFF) bắt đầu thu hút những cầu thủ lai về thi đấu cho đội tuyển, họ mới “hái quả ngọt” khi vào đến bán kết AFF Cup nữ 2019. Thành tích đó đủ để PFF lần đầu giành quyền đăng cai giải đấu năm 2022, và tiến tới chức vô địch.
Việc tận dụng cầu thủ lai không phải mới mẻ với bóng đá Philippines. Đội tuyển nam đã sử dụng chiến lược này từ khoảng hơn 10 năm trước. PFF không chỉ triệu hồi tuyển thủ lai, mà còn nhập tịch cầu thủ không mang dòng máu Philippines. Đội hình của họ thường pha trộn những cầu thủ thuần, lai và nhập tịch. Chiến lược này bị cho là không thành công, vì Philippines chưa từng vào chung kết AFF Cup.
Rút kinh nghiệm từ đó, PFF sử dụng toàn bộ đội hình tuyển nữ sinh trưởng ở phương Tây. Họ được dạy dỗ và ăn tập ở nền bóng đá số một thế giới là Mỹ, với giáo án huấn luyện và dinh dưỡng tốt hơn hẳn Đông Nam Á. Dù chỉ chơi cho các trường đại học Mỹ, đoàn quân của HLV Stajcic vẫn có nền tảng tốt hơn các đối thủ ở Đông Nam Á. Bởi giải vô địch các trường đại học Mỹ (NCAA) là nơi chọn ra những cầu thủ trẻ tiềm năng cho đội tuyển nước này.
Hơn nữa, chênh lệch trình độ bóng đá nữ đáng kể hơn nhiều so với nam. Chẳng hạn Việt Nam đứng thứ 32 FIFA, luôn thua trắng với cách biệt lớn trước đội thứ 18 như Hàn Quốc. Còn chênh lệch của đội tuyển nam thứ 32 Czech và đội thứ 18 Senegal không đáng kể. Điều đó có nghĩa khoảng cách giữa bóng đá nữ Mỹ và Việt Nam hay Thái Lan hiện tại là quá xa.
Sarina Bolden đoạt Vua phá lưới AFF Cup nữ 2022 với tám bàn, hơn Huỳnh Như một bàn. Trong hai trận bán kết và chung kết, Bolden ghi ba bàn và góp công lớn vào thành tích của Philippines gần đây. Tiền đạo 26 tuổi từng được tập trung cùng tuyển U23 Mỹ, khi còn chơi cho Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, bang California.
Bolden cao 1,73 m, trong khi cầu thủ cao nhất của Việt Nam là hậu vệ Thu Thương chỉ đạt 1,68 m. Còn bảy tuyển thủ khác của Philippines cao từ 1,70 m trở lên, chưa kể 10 người chưa có thông số này.
Đội trưởng Tahnai Annis cũng sinh trưởng ở Mỹ như Bolden, và từng chơi ở UEFA Champions League nữ. Nhiều cầu thủ khác cũng đang chơi cho các CLB ở giải hàng đầu của những đất nước mạnh về bóng đá nữ như Thụy Điển, Na Uy hay Nhật Bản. Những cầu thủ này vốn có nền tảng tốt hơn thầy trò Mai Đức Chung. Qua nhiều đợt tập trung, họ ngày càng mạnh hơn do đã hiểu lối chơi của nhau tốt hơn.
Mang trong mình nửa dòng máu Philippines, các học trò của Stajcic cũng chơi cống hiến không kém gì những đồng đội thuần Phi. Tiền vệ Maya Alcantara nói: “Chúng tôi là người Mỹ, nhưng cũng là người Philippines, có cùng văn hóa và môi trường lớn lên. Chúng tôi coi nhau như gia đình, và sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ lẫn nhau. Một điều quan trọng trong văn hóa Philippines là gia đình, và chúng tôi làm mọi thứ vì họ”.
Trước bán kết AFF Cup nữ 2022, Philippines toàn thua Việt Nam ở 15 lần so tài bóng đá nữ. Trong đó, họ ghi năm và thủng lưới tới 73 bàn. Lần gần nhất hai đội gặp nhau là tại vòng bảng SEA Games 31 tháng 5/2022. Dưới sức ép của hơn 16.000 khán giả Cẩm Phả, Philippines dù đã tiến bộ vẫn thua ngược Việt Nam 1-2. Nhưng khi hai đội tái ngộ ở Rizal Memorial hôm 15/7, Philippines thắng 4-0 trên sân nhà. “Việt Nam mạnh nhất Đông Nam Á, nhưng Philippines hoàn toàn xứng đáng thắng. Đây là cột mốc với bóng đá Philippines”, ông nói sau khi truất ngôi Việt Nam.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, sự ủng hộ của khán giả nhà cũng giúp Philippines thăng hoa. Có hơn 8.000 CĐV Philippines đến xem trận chung kết, khi họ hạ Thái Lan. “Chơi bóng dưới sự cổ vũ của khán giả đối thủ thật khó khăn, như chúng tôi đã trải nghiệm ở SEA Games tại Việt Nam”, Bolden nói sau khi vô địch tối 17/7. “Nhưng khi được khán giả cổ vũ, chúng tôi cảm thấy vui mừng và phấn khích hơn nhiều. CĐV đã giúp ích nhiều cho đội bóng”.
Chiến lược thu hút cầu thủ lai có thể bị coi là “xây nhà từ nóc”, nhưng người Philippines không nghĩ vậy. HLV Stajcic cho rằng thành công của Philippines như vào vòng chung kết World Cup 2023 hay vô địch AFF Cup nữ 2022 là cú hích để bóng đá được quan tâm hơn ở đó. “Khi đội tuyển nam Australia trở lại World Cup 2006, sự quan tâm dành cho bóng đá ở nước này tăng vọt”, HLV từng dẫn tuyển nữ Australia nói. “Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tái hiện ở Philippines”.
Trong thời gian diễn ra AFF Cup nữ từ 4/7 đến 17/7, tài khoản Facebook của tuyển nữ Philippines tăng từ 44.896 lên 64.784 lượt like, tương ứng 44%. Còn tài khoản của tuyển nam nước này đang có 72.445 lượt like. Bóng đá nữ Philippines có thể được quan tâm hơn cả nam trong thời gian tới, đặc biệt khi họ được dự World Cup 2023.
Bằng cách nào không quan trọng, thành công của Philippines đã được người dân đón nhận. Những bình luận hàng đầu trên fanpage của đội bóng này đều có chữ “tự hào”.
(Nguồn: Xuân Bình/Vnexpress)