Evander Holyfield: Huyền thoại sống của làng quyền anh hạng nặng thế giới và trận đấu lịch sử trước Mike Tyson
Evander Holyfield – nhắc đến cái tên này, ký ức của những người hâm mộ quyền anh bỗng ùa về, đầy đủ và chân thật.
Evander Holyfield là huyền thoại của làng quyền anh hạng nặng nói riêng và toàn bộ thế giới thể thao nói chung, ông là vị thần đích thực trên sàn đấu. Hơn thế nữa, nhắc tới Holyfield, bất cứ ai của thập kỷ trước cũng tràn về một thứ xúc cảm bất diệt gói gọn trong trận đấu tạm gọi “Trận đấu của lịch sử”.
Đối với những người hâm mộ quyền anh về sau này, Holyfield có thể không nổi tiếng bằng Mike Tyson hay Mayweather, nhưng ông vẫn luôn được xem là một trong những võ sĩ quyền anh vĩ đại nhất lịch sử. Ông sở hữu cho mình một cá tính rất riêng và chinh phục khán giả thập niên trước bằng tài nghệ xuất chúng của mình trên sàn đấu. Cho đến tận ngày nay, các võ sĩ từng đối đầu với ông vẫn chưa thể quên được sự đau đớn mà Holyfield đem lại trong từng cú đấm.
Evander Holyfield, huyền thoại trong những huyền thoại. Ảnh: ESPN
1. Tiểu sử
Evander Holyfield sinh ngày 19 tháng 10 năm 1962 tại bang Alabama, Mỹ. Ông là con út trong một gia đình có 9 anh em, một gia đình hiếm hoi có đông con như thế ở nước Mỹ. Quyền anh dường như đã ăn sâu vào máu của chú nhóc Holyfield từ khi còn rất nhỏ, bởi mỗi lần chơi đùa với những người bạn đồng trang lứa, Holyfield vẫn thường khiến các bạn “đo ván” và rất nhiều lần Holyfield đã phải chịu đòn roi của mẹ vì những hành động bắt nạt bạn bè này. Tuy nhiên, cũng chính từ cái sở thích oái oăm ban đầu đó, mà Holyfield đã biết rằng mục đích sống của ông là để trở thành tay đấm quyền anh vĩ đại nhất lịch sử, để “vang danh bốn bể năm châu”.
Khi vừa tròn 12 tuổi, Holyfield đã tham gia thi đấu quyền anh nghiệp dư. Trong 5 năm đầu tiên, Holyfield đã đoạt chức vô địch giải quyền anh trẻ cấp CLB của bang Alabama. Và rồi chỉ 1 năm sau đó, cái tên Holyfield đã đến gần với công chúng Mỹ hơn khi ông xuất sắc vượt qua vòng loại, đánh bại hàng loạt những người đàn anh dày dặn kinh nghiệm, để có lần đầu tiên được góp mặt tại kỳ Thế Vận Hội danh giá.
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Holyfield là khi ông bước sang tuổi 15, ông đã xuất sắc giành chức quán quân giải vô địch vùng đông nam nước Mỹ, và sau đó được bầu chọn là tay đấm xuất sắc nhất trong năm của Mỹ. Đây là danh hiệu rất cao quý của làng quyền anh, bởi khi ấy nước Mỹ vẫn là quốc gia đang thống trị làng quyền anh thế giới với những tay đấm da màu có tiếng.
Tài năng thiên bẩm khiến sự nghiệp của Holyfield lên như diều gặp gió và chẳng mấy chốc, ông đã được chọn vào ĐT quyền anh quốc gia của Mỹ và nổi danh với việc giành huy chương tại Oympic 1984.
Tuy nhiên, sự nghiệp đỉnh cao của Holyfield chỉ bắt đầu khi ông chuyển lên thi đấu chuyên nghiệp ở hạng cân Cruiserweight vào năm 1985. Ông ngay lập tức khẳng định tên tuổi của mình với chiếc đai vô địch đầu tiên 1 năm sau, sau khi đánh bại Dwight Muhammad Qawi để giành đai WBA Cruiserweight.
Tiếp đó, ông lần lượt hạ gục Ricky Parkey và Carlos De Leon để giành các đai vô địch IBF và WBC, trở thành nhà vô địch tuyệt đối của hạng cân Cruiserweight.
Chán nản khi không gặp được đối thủ xứng tầm ở hạng cân này, Evander Holyfield quyết định từ bỏ tất cả đai vô địch của mình để chuyển lên thi đấu ở hạng nặng. Và cũng chỉ mất hai năm để Holyfield có ba chiếc đai vô địch WBA, WBC và IBF trước khi phải nếm mùi thất bại đầu tiên trong sự nghiệp và mất hết những chiếc đai này về tay Riddick Bowe, một trong những tay đấm vĩ đại khác của làng quyền anh hạng nặng Mỹ. Tuy nhiên, đúng 1 năm sau, Holyfield đã trả được món nợ này tại Las Vegas và đòi lại được hai đai vô địch WBA cùng IBF.
Những năm sau đó, Holyfield bắt đầu thua nhiều hơn và mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của việc bảo vệ đai rồi mất đai rồi lại đoạt lại được đai. Dẫu vậy, ông vẫn đứng trong hàng ngũ những tay đấm đáng sợ nhất lúc bấy giờ. Cũng trong giai đoạn này, Holyfield đã có hai trận đấu để đời trước “Iron” Mike Tyson.
2. Evander Holyfield vs. Mike Tyson: Mồ hôi, máu và thù hận
Mặc dù đẳng cấp của Mike Tyson là điều không phải bàn cãi, ấy vậy mà cả hai lần đối đầu với Holyfield, Mike đều phải chịu những kết cục cay đắng.
Vào năm 1996, Holyfield đã hạ knock-out Bobby ở hiệp đấu thứ 6. Sau chiến thắng này, Holyfield gặp phải thử thách lớn từ lời mời thách đấu của võ sĩ trẻ rất nổi thời bấy giờ, Mike Tyson.
Đúng như dự đoán, trận đấu đặc biệt được chờ đợi giữa hai người đồng hương Holyfield và Mike Tyson đã diễn ra vô cùng kịch tính và hấp dẫn. Cả hai võ sĩ thi đấu ngang ngửa nhau. Sau hiệp đấu thứ 10 vẫn chưa phân định thắng bại, những tưởng trận đấu sẽ chỉ được định đoạt bằng điểm số thì bất ngờ đã đến ở hiệp đấu thứ 11. Trong thế trận giằng co, bằng một khoảnh khắc xuất thần, Holyfield đã tung một cú đấm trời giáng knock-out Mike Tyson.
Quá tức giận vì thua trận đấu, Mike Tyson đã ngay lập tức yêu cầu một trận tái đấu, và nhanh chóng, “Mike thép” đã có được điều mình muốn. Trận đấu diễn ra vào ngày 28/6/1997 và phần còn lại của trận đấu này như người ta vẫn thường nói, là “lịch sử”; và lần này, người tạo nên lịch sử không phải Holyfield mà là Mike Tyson. Dẫu vậy, lịch sử đó chẳng mấy huy hoàng, y hệt như gương mặt của Mike Tyson trong trận đấu đó.
Trận đấu diễn ra được 3 hiệp, giữa lúc cao trào, Mike Tyson đã nhảy lên cắn vào tai Holyfield và ngay lập tức bị trừ 2 điểm. Các bác sĩ vào sân và sau một lúc Holyfield thông báo có thể tiếp tục. Thế là trận đấu tiếp diễn trong tiếng hò hét điên rồ của khán giả. Nhưng máu điên của Mike chưa dứt, ông tiếp tục thực hiện một pha cắn tai đối thủ nữa, và lần này còn nghiêm trọng hơn. Mike Tyson miệng đầy máu và nhả ra một mảnh tai của Holyfield.
Khán giả tại nhà thi đấu la lên trong kinh hoàng, chửi bới Mike Tyson vì hành vi phi thể thao. Chiếc tai của Holyfield bị rách khiến ông không thể tiếp tục thi đấu và được các nhân viên y tế đưa vào bệnh viện ngay sau đó.
Tất nhiên, sau hành vi đáng lên án này, Mike Tyson đã ngay lập tức bị xử thua. Và cho tới tận ngày này, người ta vẫn gọi đây là trận đấu kỳ lạ nhất trong làng quyền anh thế giới, đó vẫn là một ký ức không thể nào quên và được nhắc đến mãi về sau này, một số người khác thì gọi đây là “vết nhơ” đối với Mike Tyson. Trong ký ức của những người hâm mộ quyền anh, khoảnh khắc mà chiếc tai của Holyfield bị cắn đứt là một trong những thứ lưu lại trong tâm trí lâu nhất.
3. Kẻ vĩ đại thầm lặng
Sau trận đấu điên rồ với Mike Tyson, Holyfield cho thấy dấu hiệu tuổi tác bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến khả năng thi đấu của mình. Võ sĩ người Mỹ chỉ thắng được 2 trong tổng số 9 lần thượng đài. Ông đã thua trước Lennox Lewis, John Ruiz và sau đó là chuỗi ba trận thua liên tiếp trước Chris Byrd, James Toney và Larry Donald khiến Holyfield phải tạm ngừng thi đấu gần hai năm.
Sau đó, ông trở lại và thi đấu đến năm 50 tuổi. Trên thế giới ít có võ sĩ quyền anh hạng nặng nào có thể trụ lại sàn đấu lâu như Holyfield. Dù cố níu kéo chút hào quang cuối cùng của sự nghiệp, nhưng điều gì đến cũng phải đến, Holyfield chính thức nói lời chia tay với võ đài.
Tháng 5/2011, Holyfield thượng đài với Brian Nielsen. Ông giành chiến thắng ở trận đấu này. Sau đó ông cố liên hệ với anh em nhà Klitschko để đấu một trận cuối, tri ân trước khi giải nghệ. Nhưng ở tuổi 50, chẳng còn võ sĩ nào muốn đấu với ông nữa.
Theo Bernd Bonte, quản lý của anh em nhà Klitschko, Vitali và Wladimir đều không muốn so găng với Holyfield. Ở tuổi 50, Holyfield khó có thể đứng vững trên võ đài. Ngoài lý do này, họ không muốn đánh với ông vì sự tôn trọng mà hai anh em giành cho ông, họ muốn giữ cho ông chút tôn nghiêm cuối cùng ở giai đoạn cuối của sự nghiệp.
Evander Holyfield luôn có một chỗ đứng vững trãi trong làng quyền anh thế giới. Ảnh: SHOWTIME
Bonte tiết lộ, Holyfield là một trong những thần tượng của anh em nhà Klitschko và điều đó còn quan trọng hơn số tiền mà trận đấu giữa Holyfield với Vitali hay Wladimir có thể mang lại. Như vậy, trận đấu với Nelson trở thành lần cuối cùng người hâm mộ thấy ông trên võ đài. Cách mà Holyfield chia tay người hâm mộ có điều gì đó chưa trọn vẹn và để lại nhiều tiếc nuối.
Không rùm beng như Mike Tyson hay Mayweather, Holyfield chiếm được cảm tình của người hâm mộ bằng một cách rất riêng, rất đặc biệt mà không lẫn vào đâu. Ông không hổ báo cáo chồn, ông ghi điểm trong lòng người hâm mộ bằng lối đánh quyến rũ, rực lửa và đầy đam mê. Trong những năm tháng đỉnh cao, mặc dù không có lợi thế về thể hình nhưng Holyfield vẫn khiến các đối thủ rùng mình với những cú đấm ngàn cân, tốc chiến tốc thắng. Holyfield được nhận xét là người có lối đánh ngang tàng, lỳ lợm, đã ra đòn thì mạnh mẽ như vũ bão và giống hệt như một chiến binh, ông chưa từng biết sợ là gì.
Những trận đấu của ông thu hút nửa tỷ khán giả theo dõi qua hệ thống truyền hình trả tiền. Tính đến nay, ông đứng thứ 3 trong top 4 võ sĩ thu hút khán giả truyền hình nhiều nhất trong lịch sử quyền anh nhà nghề với tổng thu từ các hợp đồng truyền hình trực tiếp 14 trận đấu lên đến 543 triệu USD. ông đứng trên cả Mayweather (540 triệu USD, 9 trận) và chỉ đứng sau Oscar De La Hoy (610,6 triệu USD, 18 trận) và Mike Tyson (545 triệu USD, 12 trận).