Tại sao các tiền vệ trung tâm như Guardiola dễ thành công với nghề HLV?
Có một hiện tượng đáng chú ý của bóng đá thế giới hiện nay là rất nhiều cựu tiền vệ trung tâm như Pep Guardiola hay Mikel Arteta đang trở thành HLV trưởng và cũng có nhiều người đạt được thành công vang dội. Vì sao lại có hiện tượng thú vị này?
Các cựu tiền vệ thống trị ghế huấn luyện
Triết lý huấn luyện thường được hình thành bởi sự kết hợp giữa sự nghiệp thi đấu của một HLV, phong cách chơi và chiến thuật của các đội bóng họ từng thi đấu. Barca của Xavi Hernandez, Sampdoria của Andrea Pirlo, Bayer Leverkusen của Xabi Alonso, Fiorentina của Vincenzo Italiano, Bologna của Thiago Motta, Middlesbrough của Michael Carrick, PSG của Luis Enrique hay Sporting Lisbon của Ruben Amorim… đều cho thấy rõ điều đó.
Báo cáo tháng 3/2022 của Trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES đã làm rõ hiện tượng này. CIES phân tích 1.866 đội từ 126 giải đấu ở 89 quốc gia và xác định rằng, 42,4% HLV trưởng từng có sự nghiệp chuyên nghiệp là tiền vệ.
Năm 2019, Pep Guardiola đã đưa ra lời giải thích vì sao các tiền vệ trung tâm thường xuyên trở thành huấn luyện viên trưởng. “Thông thường, tiền vệ trụ sẽ có tầm nhìn về những gì diễn ra trên sân”, Pep nói. “Khi bạn là một tiền đạo, bạn nghĩ về những bàn thắng, còn thủ môn thì sẽ nghĩ tới việc cứu thua. Trong khi các tiền vệ thì có thể nghĩ rộng hơn”. Đó là lý do giải thích tại sao Mikel Arteta, trợ lý cũ của Pep, đang thành công trên cương vị HLV ở Arsenal.
Arteta và Guardiola không phải là những HLV duy nhất ở Premier League từng đá tiền vệ khi còn là cầu thủ. HLV trưởng của Wolves, Gary O’Neil, cũng là một tiền vệ. Roberto De Zerbi của Brighton từng là một số 10.
Vì sao lại có hiện tượng này?
Có nhiều cách giải thích khác nhau về con đường từ tiền vệ trung tâm đến HLV trưởng. Oren Rozanski, nhà phân tích thành tích học viện tại Charlton Athletic, nói rằng đó là bởi “các tiền vệ trung tâm tham gia vào mọi khía cạnh của trận đấu. Họ tham gia vào giai đoạn triển khai bóng, tiến lên cao hơn ở hàng tiền vệ hoặc lùi xuống giữa các trung vệ. Họ phải theo dõi mọi cầu thủ và quan sát mọi tình huống trên sân”.
Callum Ellis, nhà phân tích tuyển dụng tại 1 CLB ở Premier League, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông gọi các tiền vệ trung tâm là “chất xúc tác cho lối chơi, là người chuyển tiếp phòng ngự và tấn công, cũng như là những người tầm nhìn tốt nhất trên sân”.
Ellis nói thêm: “Tiền vệ trung tâm là vị trí khó khăn nhất trên sân do có rất nhiều trách nhiệm. Khi thi đấu, họ phải liên lạc thường xuyên với các đồng đội của mình và cũng phải giữ bình tĩnh hết mức có thể. Điều này tạo nên các tố chất của một HLV hàng đầu”.
Điều đó cũng giải thích cho sự gia tăng giá trị của các tiền vệ trung tâm trong những mùa giải gần đây. Các tiền vệ trung tâm trở thành HLV thường xây dựng đội bóng của mình xung quanh vị trí cũ họ từng chơi. Guardiola có Sergio Busquets ở Barcelona, giờ là Rodri ở Man City. Xavi có Frenkie de Jong. Italiano có Sofyan Amrabat, người vừa được cho MU mượn.
Casemiro, Toni Kroos và Luka Modric là xương sống trong đội hình Real Madrid của Carlo Ancelotti. Bây giờ ông có Jude Bellingham, Aurelien Tchouameni và Eduardo Camavinga. Arteta nỗ lực chiêu mộ Declan Rice từ West Ham với giá kỷ lục ở mùa Hè này. Thành công của De Zerbi ở mùa giải trước được củng cố nhờ cặp đôi Alexis Mac Allister và Moises Caicedo, những người gia nhập Liverpool và Chelsea trong hè này.
Dominic Haynes, HLV học viện được UEFA cấp chứng chỉ A, cho biết “các tiền vệ trung tâm thường là những cầu thủ hoàn thiện nhất về mặt kỹ thuật và chịu áp lực từ mọi hướng. Thường tiền vệ trung tâm là đội trưởng nên rõ ràng họ có trách nhiệm lãnh đạo hơn các vị trí khác”.
Haynes cũng nhấn mạnh rằng, xu thế này đã được thể chế hóa. “Các Liên đoàn bóng đá trên toàn cầu đang đào tạo các HLV những nguyên tắc tấn công dựa trên việc kiểm soát bóng và nguyên tắc chơi theo vị trí, cũng như các nguyên tắc phòng thủ dựa trên khu vực. Điều này là dựa trên xu thế phát triển của bóng đá thế giới. Được chạm bóng nhiều hơn sẽ khiến các cầu thủ trẻ thích thú hơn, từ đó tạo ra một thế hệ cầu thủ thích hoặc chơi bóng theo cách này”.
Theo LĐBĐ Anh (FA) thì “DNA nước Anh” – một triết lý thi đấu quốc gia được công bố vào năm 2014 cho tất cả các đội tuyển Anh, “nhằm mục đích xây dựng sự thống trị về kiểm soát bóng”.
Trên bình diện quốc tế, ĐT Anh đã phát triển lối chơi của mình một cách đáng kể trong hai thập kỷ qua. Nhiều HLV mới nổi của bóng đá Anh như Martin O’Neil, Steven Gerrard, Frank Lampard, Scott Parker, Michael Carrick, Wayne Rooney (số 10) – từng là cựu tiền vệ trung tâm hoặc ít nhất cũng từng thi đấu ở vị trí này lúc họ còn là cầu thủ.
Tất nhiên, với tính chất chu kỳ của bóng đá, việc các tiền vệ trung tâm chiếm ưu thế trên băng ghế huấn luyện và phong cách kiểm soát bóng sớm muộn cũng sẽ trở nên lỗi thời. Các đội bóng chơi phòng ngự đang bắt đầu vùng lên. Việc West Ham vô địch Europa Conference League và Inter Milan lọt vào chung kết Champions League mùa trước với lối chơi phòng ngự phản công đã cho thấy, thành công có thể đạt được mà không cần cầm bóng nhiều. Tuy nhiên, xu thế này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Đã xuất hiện dấu hiệu nhàm chán
Xu hướng tiền vệ trung tâm trở thành HLV trưởng đang khiến các chiến thuật bóng đá trở nên bão hòa và các đội bóng thi đấu na ná nhau. Và điều này cũng đã bắt đầu cho thấy sự nhàm chán. “Tôi thích như trước đây hơn. Có những HLV khác nhau, những cách chơi khác nhau. Bây giờ, hầu hết các đội đều chơi giống nhau”, Pochettino nhận xét.
(Nguồn: THE ATHLETIC)