Manchester United là một mớ hỗn độn
Chủ sở hữu Manchester United đang có những bước đi trên thị trường chuyển nhượng nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của người hâm mộ. Tuy nhiên, nỗ lực đó liệu có đủ để “Quỷ đỏ” trở lại?
Jamie Carragher tin rằng các ông chủ người Mỹ là nguyên nhân lớn khiến đội chủ sân Old Trafford sa sút.
MU là mớ hỗn độn
Tôi cảm thấy tiếc cho những người hâm mộ MU khi nhà Glazer biến CLB của họ thành trò cười. Việc mua một tiền vệ mới theo kiểu điên cuồng là biểu hiện mới nhất cho sự kém cỏi trong điều hành. Tôi thực sự thông cảm cho những người ủng hộ MU. Cổ động viên Liverpool từng ở vào vị trí tương tự, phản đối những người chủ mà họ không muốn, và chúng tôi biết cảm giác đó như thế nào.
CĐV MU hẳn cảm thấy như đang đập đầu vào bức tường gạch, vì họ đã thể hiện rõ mong muốn của bản thân, nhưng dường như không có gì thay đổi. Người hâm mộ đội bóng đã biểu tình, thành lập một CLB khác ở Manchester mang tên FC United. Sự tức giận của họ thậm chí khiến một trận đấu ở Premier League bị hoãn lại.
Tôi ở đó vào tháng 5 năm ngoái, khi những người ủng hộ MU tràn xuống Old Trafford để phản đối nhà Glazer và buộc trận đấu với Liverpool không thể diễn ra như dự kiến. Khi đó tôi ủng hộ người hâm mộ MU, và bây giờ vẫn vậy. Tôi hiểu cảm xúc của họ. Bóng đá rất quan trọng trong cuộc sống của nhiều người. Những người hâm mộ MU nhìn vào nhà Glazer và thấy chủ sở hữu đội bóng không yêu hoặc quan tâm đến CLB.
Dưới sự quản lý của nhà Glazer, MU trở thành trò cười. Không chỉ ở đất nước này mà trên toàn thế giới, hãy nhìn cách Elon Musk giễu cợt về việc mua lại CLB. “Quỷ đỏ” là một mớ hỗn độn, trong và ngoài sân cỏ, và điều này còn phức tạp hơn nhiều so với nhóm cầu thủ hoặc đội ngũ huấn luyện hiện tại. Nếu một CLB không được vận hành đúng cách từ bên trên, những vấn đề từ bên dưới chắc chắn sẽ xuất hiện.
Không ngạc nhiên khi người ta phấn khích về việc MU có thể đổi chủ. Tỷ phú người Anh Sir Jim Ratcliffe nói ông quan tâm đến việc mua lại đội chủ sân Old Trafford, mặc dù chúng ta sẽ phải chờ xem liệu điều đó có xảy ra sớm hay không. Dù điều gì xảy ra, rõ ràng MU cần đầu tư đội hình và cơ sở hạ tầng, vì những màn trình diễn tệ hại của họ trong và ngoài sân cỏ bắt đầu gây khó khăn tài chính cho gia đình Glazer.
Những trận thua của MU mùa này là trước Brighton và Brentford, hai trong số những đội gây ấn tượng nhất của Premier League, xét về mô hình sở hữu và cấu trúc hoạt động bên ngoài sân cỏ. Từ trên xuống dưới, hai CLB này có sự liên kết xuyên suốt. Họ có những nhà quản lý phù hợp với triết lý, về cách họ muốn chơi bóng và cũng có một chiến lược chuyển nhượng chặt chẽ.
Ví dụ, Brighton bán hai cầu thủ hay nhất đội – Yves Bissouma và Marc Cucurella – trong vòng vài tuần, nhưng đến Old Trafford họ vẫn chơi như chưa hề mất trụ cột. Đó là bởi vì toàn bộ cấu trúc của Brighton được thiết lập để đối phó với những thay đổi này. Mọi thứ đã được lên kế hoạch.
Còn MU? Chỉ cần nhìn vào cách vụ Adrien Rabiot sụp đổ trong tuần này do yêu cầu về tiền lương của cầu thủ là thấy. Nếu bạn là một CLB như MU, bạn không nên rút lui khỏi vụ chuyển nhượng chỉ vì yêu cầu tiền lương. Ai đó ở CLB nên biết trước mức lương mà cầu thủ muốn, chứ không phải chờ đến khi đạt xong thỏa thuận với Juventus.
Hãy nhìn Liverpool
MU cũng dành nhiều tuần để theo đuổi Frenkie de Jong của Barcelona, và giờ làm tất cả để mua Casemiro. Từ De Jong, Rabiot, đến Casemiro, các cầu thủ này đều là những mẫu tiền vệ khác nhau, với phong cách và độ tuổi khác nhau. Kế hoạch ở đây là gì? Chiến lược ở đâu? Mọi thứ thật đáng xấu hổ.
Dĩ nhiên, Erik ten Hag muốn chiêu mộ cầu thủ theo ý mình, và cho đến lúc này, MU đem về Lisandro Martinez và Tyrell Malacia để chiều HLV mới. Đúng là thật khó để từ chối yêu cầu của tân HLV khi ông ấy vừa được bổ nhiệm. Nhưng sự tuyệt vọng ở giai đoạn này của kỳ chuyển nhượng là dấu hiệu khác cho thấy vấn đề của CLB. Cứ như thể họ đang đi trong một siêu thị sắp đóng cửa vậy.
Đối lập với cách tiếp cận của MU trên thị trường, Liverpool, đối thủ của họ vào cuối tuần này, có một kế hoạch rõ ràng. Có những người hâm mộ Liverpool la hét, nói rằng CLB cần ký hợp đồng với một tiền vệ mới, nhưng những người ra quyết định của đội sẵn sàng chờ cầu thủ phù hợp và đúng thời điểm.
Dưới quyền sở hữu của FSG và nhờ “Moneyball” (mô hình quản trị thể thao theo phương pháp khoa học – ND), Liverpool tránh được rất nhiều vấn đề MU gặp phải. FSG không ngại thay đổi nhân sự để đạt được vị trí mình muốn, đồng thời họ cũng đầu tư mạnh vào cả sân vận động lẫn sân tập mới. Mọi thứ không chỉ đơn giản là có người chủ giàu nhất, mà các ông chủ này phải có tầm nhìn và sự quyết đoán.
Khi nhìn vào MU, CLB này khiến bạn liên tưởng đến một đội bóng ở cuối bảng Premier League điên cuồng mua sắm ở cuối phiên chợ. Các CLB hàng đầu không bao giờ nên hoảng loạn như thế này. Để rõ ràng, tôi cũng không nghĩ rằng nhiều cầu thủ hiện tại của MU đủ phẩm chất hoặc cá tính để chơi cho đội. Nhưng rõ ràng trình độ của họ chỉ là một phần trong tổng thể các vấn đề rộng lớn hơn, kéo dài nhiều năm ở MU.
Kể từ năm 2016, MU trả trung bình 22 triệu bảng mỗi năm cho cổ đông, chủ yếu là nhà Glazer. Trong 10 năm qua, không có ông chủ nào ở Premier League kiếm được nhiều tiền hơn những gì nhà Glazer bòn rút ra từ MU.
Rõ ràng nhà Glazer không quan tâm đến đội bóng. Bạn bè của họ ở Mỹ hẳn nhìn vào và nghĩ “wow, bạn làm ăn khá ngon ở đó”. Đối với những người ấy, MU không được coi như một đội bóng thể thao, họ chỉ là công cụ để nhà Glazer thu về hàng triệu USD mỗi năm.
Khi tôi còn chơi cho Liverpool, người hâm mộ đội bóng làm tất cả để buộc Tom Hicks và George Gillett (hai chủ cũ – ND) rời CLB. Người hâm mộ nỗ lực không ngừng nghỉ và điều đó đã tạo nên sự khác biệt thực sự. Người hâm mộ MU lên kế hoạch cho nhiều cuộc biểu tình chống lại nhà Glazer trong vài ngày tới, điều đó không có gì ngạc nhiên đối với tôi.