FIFA và UEFA đang vắt kiệt sức cầu thủ
Hệ thống giải đấu dày đặc khiến nhiều ngôi sao bóng đá vật lộn với việc phải thi đấu tốt bất chấp thể lực bị suy giảm.
Vài ngày trước trận chung kết Champions League mùa rồi, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Thế giới (FIFPro) họp bàn ở Paris (Pháp) và đưa ra nghiên cứu mới chứng minh cầu thủ phải thi đấu quá sức trong thời gian qua.
Nếu là cách đây 10 năm, con số được FIFPro thống kê khiến người ta giật mình. Tuy nhiên ở hiện tại, với một hệ thống giải đấu dày đặc và chồng chéo lên nhau, CĐV đã không còn cảm thấy ngạc nhiên.
Những đôi chân mỏi mệt
Theo FIFPro, khoảng 72 cầu thủ thi đấu ít nhất 55 trận/người trong mùa giải 2020/21. FIFPro đặt ra khái niệm “critical zone” (để chỉ quãng nghỉ ít hơn 5 ngày giữa 2 trận đấu), đồng thời lấy trung vệ Harry Maguire làm minh chứng. Tuyển thủ Anh thi đấu 100% số trận ở “critical zone”. Trong khi đó, Luka Modric chỉ bỏ lỡ một trong 24 trận ở “critical zone”.
Son Heung-min, đội trưởng tuyển Hàn Quốc và tiền đạo chủ lực của Tottenham, ngồi máy bay đến hơn 300 giờ trong 3 năm qua. Chân sút này phải di chuyển giữa Hàn Quốc, các nước châu Á và Anh để thi đấu. Nếu tính theo hành trình bay, Son đã di chuyển khoảng 223,637km. Trong khi đó, đồng đội của Son ở Tottenham, Harry Kane chỉ ngồi máy bay khoảng 137,370km.
Không chỉ việc di chuyển, mà chênh lệch múi giờ cũng thành nỗi ác mộng của giới cầu thủ. “Chúng tôi bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và màn thể hiện trên sân cỏ vì điều này”, tiền vệ Arturo Vidal nói. “Có người di chuyển hơn 200.000 km trong 3 mùa vừa qua. Nó giống như đi vòng quanh thế giới đến 5 lần vậy”.
Wolves, CLB thường xếp ở nhóm giữa bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh, có 7 cầu thủ thi đấu ít nhất 40 trận/mùa cho CLB và ĐTQG. Tình trạng tương tự xảy ra ở các đội bóng tầm trung khác ở châu Âu. Cầu thủ Wolves phải căng mình chơi bóng tại cả Ngoại hạng Anh, FA Cup và League Cup. Hiếm có quốc gia nào sở hữu nhiều giải quốc nội đến thế.
Cây viết kỳ cựu Gabriel Marcotti của ESPN ám chỉ những ngôi sao chính là công cụ bán vé của các CLB. Người ta mong nhìn thấy Cristiano Ronaldo, Lionel Messi hay Neymar đá chính, thay vì ngồi dự bị. Họ tạo nên sức hút to lớn, giúp CLB thu về lợi ích từ tiền bản quyền truyền hình hay hợp đồng tài trợ. Yếu tố này khiến đội bóng khó có quyết định khác.
Tất nhiên, cơ địa mỗi người khác nhau. Có cầu thủ thi đấu 40-50 trận/mùa nhưng vẫn sung mãn. Có người chỉ đá trung bình 20 trận/mùa vì chấn thương. Ronaldo có thể mệt mỏi khi bước ra sân. Anh không nhanh nhẹn và sắc bén như ngày thường. Nhưng theo quan điểm của CĐV, Ronaldo vẫn có trên sân, và như thế là đủ.
Giải pháp của FIFPro
FIFPro cho rằng thời gian nghỉ tối thiểu cho một cầu thủ trong mùa hè là 4 tuần. Tuyển thủ Tây Ban Nha, Mikel Oyarzabal từng khiến dư luận bị sốc khi chỉ có 8 ngày nghỉ xen giữa hai giải đấu khác nhau. FIFPro còn đề xuất quãng nghỉ khi cầu thủ phải thi đấu trong dịp “FIFA Days” nên được kéo dài. Điều này giúp cầu thủ hồi phục sau quá trình di chuyển quá dài.
Bên cạnh đó, số trận đấu trong “critical zone” nên được giảm xuống ở mức 4-6 trận/mùa. Giai đoạn tiền mùa giải cần được nới rộng, tạo điều kiện cho đội bóng chuẩn bị thể lực cho chặng đường dài 9 tháng sau đó. Thông thường, các CLB lớn chỉ dành khoảng một tháng cho giai đoạn này.
Cuối tháng 5, FIFPro công bố cuộc khảo sát với 1.055 cầu thủ và 92 chuyên gia thể thao. Kết quả cho thấy phần lớn đều đồng tình với việc phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi sau khi mùa giải kết thúc, và hạn chế các trận đấu diễn ra sát nhau.
Jonas Baer-Hoffmaan, Tổng thư ký FIFPro, lên tiếng: “Chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ các cầu thủ. Hệ thống giải đấu cần được điều chỉnh để giảm tải khoảng cách các chuyến bay và số trận đấu, để cầu thủ không phải thi đấu quá sức”. Dòng trạng thái “Chúng tôi là vận động viên, không phải máy móc” của FIFPro nhận được sự hưởng ứng của nhóm cầu thủ Vidal, Leonardo Bonucci hay Maya Yoshida.
Cựu tuyển thủ Italy và Chelsea, Gianluca Vialli từng mỉa mai: “Thể thao tốt cho mọi người, tuy nhiên thể thao chuyên nghiệp thì không”. Vialli có lý khi nói như thế. Sự phát triển của khoa học thể thao buộc cầu thủ phải trông “chuyên nghiệp” hơn. Những ngôi sao không chỉ gặp áp lực phải có màn trình diễn tốt nhất trên sân cỏ, mà còn tự trang bị cho mình nguồn thể lực dồi dào và tinh thần ổn định.
Liverpool và Man City so kè từng điểm một trong cuộc đua Ngoại hạng Anh, trước khi mọi thứ ngã ngũ ở vòng cuối cùng. Hành trình dài vắt kiệt sức lực của nhóm trụ cột, trong số đó có, Kevin De Bruyne và Mohamed Salah. Đây là hai ngôi sao đẳng cấp thế giới, sở hữu phong độ ổn định qua nhiều mùa, nhưng vẫn có thời điểm khốn đốn vì cày ải quá nhiều.
FIFA hay UEFA chưa cho thấy bất kỳ động thái giảm tải nào, thậm chí còn muốn bổ sung thêm giải đấu thường niên trong giai đoạn tiền mùa giải. Với cầu thủ chuyên nghiệp, việc phải thích nghi trong mọi tình huống là yêu cầu cơ bản. Tuy nhiên, chính vì bị bào mòn sức lực qua năm tháng, sức khoẻ cầu thủ sẽ giảm sút lúc về già, như chính cây viết Marcotti lo ngại.
(Nguồn: Duy Luân/Zing)