Bước ngoặt chiến thuật của tuyển Việt Nam trước Malaysia

Sự có mặt bất ngờ của Nguyễn Văn Toàn trong đội hình xuất phát trước Malaysia là một tính toán thú vị của HLV Park Hang-seo.

Bên kia chiến tuyến, ông Kim Pan-gon cũng tạo ra những thay đổi nhằm khiến đội chủ nhà gặp bất ngờ.

Cả ông Park và ông Kim đều muốn bắt bài

Hai chi tiết đáng chú ý nhất trong lối chơi của Malaysia cho đến trước cuộc đối đầu với Việt Nam tại AFF Cup 2022 là những tình huống chuyển hướng tấn công liên tiếp ở tốc độ cao và những khoảnh trống lớn ở hai hành lang cánh ở thời điểm chuyển đổi phòng ngự của đội bóng này.

Chuyển hướng tấn công từ là điểm nhấn của Malaysia trong 2 trận đầu tiên.
Malaysia cho thấy điểm yếu ở khả năng chống phản công.

Thay vì Quang Hải hay thậm chí là Văn Quyết, Văn Toàn mới là sự lựa chọn của ông Park Hang-seo để đá cặp cùng Tiến Linh trên hàng công trong sơ đồ 3-5-2 của ĐT Việt Nam.

Ý đồ của vị chiến lược gia người Hàn Quốc không chỉ là việc muốn tận dụng điểm mạnh của cầu thủ sinh năm 1996 trong các tình huống chuyển đổi, mà còn là việc yêu cầu Văn Toàn chơi như một tiền vệ cánh khi ĐT Việt Nam phòng ngự ở sân nhà. Khi ấy, đội chủ nhà gần như phòng ngự với hệ thống 5-4-1 với ý đồ hạn chế khả năng chuyển hướng của Malaysia.

Ông Park muốn Văn Toàn chơi như một tiền vệ cánh khi ĐT Việt Nam phòng ngự ở sân nhà.

Song, đáng chú ý là việc ông Kim Pan-gon lại lựa chọn một lối chơi hoàn toàn khác cho ĐT Malaysia so với chính họ trong trận đấu tại Mỹ Đình.

Đội trưởng Safawi Rasid thậm chí không được lựa chọn đá chính, trong ngày ông Kim quyết định lựa chọn sơ đồ 4-2-3-1 thay vì hệ thống 3-4-3 quen thuộc. Việc có thêm nhân sự ở khu vực trung tuyến giúp Malaysia có nhiều tình huống kiểm soát được các tình huống bóng hai, những thời điểm mà tiền vệ tấn công Mukhairi Ajmal thoát đi với bóng và tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân của đối phương.

Malaysia chơi với một sơ đồ hoàn toàn khác với chính họ.
Số lượng nhân sự ở tuyến giữa giúp Malaysia có lợi thế ở các tình huống bóng 2.

Thay vì những tình huống chuyển hướng, Malaysia chọn một phương án tấn công khác trong ý đồ thay đổi hệ thống chiến thuật. Bóng thường được đưa theo chiều sâu thay vì chiều ngang sân để hướng đến một tốc độ tấn công cao hơn, trực diện hơn tới khung thành của Văn Lâm.

Ý đồ tấn công của ông Kim cũng thay đổi.

Điểm nhấn Văn Toàn

Khó có thể nói ĐT Việt Nam đã chơi áp đảo đối phương trong hiệp một. Tuy nhiên, trong bối cảnh đối phương từ bỏ hệ thống chiến thuật 5-4-1 khi phòng ngự của mình, thì chính ĐT Việt Nam lại sử dụng thuần thục phương án tấn công đặc trưng mà đối thủ đã từng thực hiện, những đường chuyền chuyển hướng tấn công.

Đó là bối cảnh mà trình độ của cặp hậu vệ biên Đoàn Văn Hậu và Hồ Tấn Tài tiếp tục được thể hiện, trong khi phong cách thi đấu của Văn Toàn như một chất xúc tác để ĐT Việt Nam khai thác không gian ở hành lang cánh.

Sự có mặt của Văn Toàn khiến sơ đồ 3-5-2 khi tấn công của ĐT Việt Nam có số lượng nhân sự lớn ở hành lang cánh phải bởi xu hướng di chuyển của cầu thủ này. Vì thế, đội chủ nhà có được khả năng kiểm soát bóng tốt ở nhiều thời điểm, trước khi chuyển hướng tấn công sang biên đối diện.

Sơ đồ 3-5-2 của ĐT Việt Nam khi kiểm soát bóng.
Quân số tấn công mang lại lợi thế ở cánh phải.
Ý đồ chuyển hướng tấn công.

Quả đá phạt góc dẫn đến bàn mở tỉ số của Tiến Linh đến trực tiếp từ một tình huống chuyển hướng có phần tương tự của các cầu thủ áo đỏ. Sự kết nối giữa Văn Hậu và Tấn Tài được thể hiện, trong khi Văn Toàn luôn trực trờ ở các khoảng trống ngoài hành lang cánh phải.

Tình huống dẫn đến quả phạt góc mang về bàn mở tỉ số của ĐT Việt Nam.

Có thể nói, Việt Nam đã tiếp cận trận đấu trước Malaysia theo một cách hoàn toàn khác với cuộc đối đầu mở màn trước Lào, với điểm nhấn trong cách sử dụng Văn Toàn của ông Park.

Song, cũng chính ý đồ ấy đã dẫn đến tình huống số 9 của ĐT Việt Nam bị truất quyền thi đấu. Từ vị trí của một tiền vệ cánh ở thời điểm phòng ngự, Văn Toàn phạm lỗi với cầu thủ đối phương theo một cách không cần thiết, và đưa trận đấu diễn biến theo một hướng khác.

Tình huống dẫn đến chiếc thẻ vàng thứ 2 của Văn Toàn.

Một cuộc đấu trí tương đối thú vị ở đấu trường khu vực giữa hai vị chiến lược gia người Hàn Quốc. Malaysia đã chơi không tồi với những ý tưởng mới lạ của mình, nhưng Việt Nam mới là người có được lợi thế về tỉ số từ một pha bóng cố định.

Cả hai bên bắt đầu hiệp thi đấu thứ 2 với những mục đích khác nhau. Malaysia muốn đẩy cao đội hình và gia tăng áp lực trên phần sân đối phương. Bên phía đội chủ nhà, việc chỉ thi đấu với 10 người khiến các học trò của HLV Park tỏ ra điềm tĩnh hơn trong việc giữ bóng để giảm bớt sức ép của đối phương. Đó cũng là thời điểm mà chất lượng chuyên môn và sự điềm tĩnh của những cá nhân như Hoàng Đức hay Hùng Dũng được thể hiện một cách đầy giá trị.

Ở thời điểm Malaysia chưa thể tạo ra bất cứ tình huống đáng chú ý nào trong hơn 10 phút đầu hiệp hai, thì nỗ lực có điểm của họ đã bị dập tắt hoàn toàn sau tấm thẻ đỏ của Azam Azmi. Với chất lượng đội hình tốt hơn, đội chủ nhà gặp không nhiều khó khăn trong thế trận 10 đấu 10 để dứt điểm trận đấu.

Mục tiêu 3 điểm tối đa được hoàn thành trong một trận đấu khó khăn hơn dự báo với HLV Park Hang-seo và các học trò. Chiến lược gia người Hàn Quốc ở giải đấu cuối cùng dẫn dắt ĐT Việt Nam vẫn cho thấy phong cách đầy quen thuộc của mình: tính toán cho từng trận đấu và luôn chọn phương án đảm bảo sự an toàn hơn là sự áp đặt trận đấu và chấp nhận rủi ro.

Đó từng là cách ông Park đưa ĐT Việt Nam lên ngôi vào năm 2018, nhưng cũng là cách ĐT Việt Nam đã không thành công ở giải đấu này một năm về trước. Liệu kịch bản nào sẽ diễn ra với chúng ta ở kì AFF lần này?

(Nguồn: Zingnews)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *