Báo Anh lật tẩy Qatar, vén màn sự thật đáng sợ đằng sau World Cup 2022
Một bản báo cáo dài 75 trang của tổ chức từ thiện Equidem có trụ sở tại London được đưa ra chưa đầy hai tuần trước khi World Cup 2022 khởi tranh tại Qatar.
World Cup 2022 sắp khởi tranh và nước chủ nhà Qatar đang chạy đua với thời gian để hoàn tất những hạng mục cuối cùng để chào đón ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Bên cạnh sự hào nhoáng và xa hoa, Qatar liên tục đối mặt với những vấn đề bên lề, đặc biệt là câu chuyện nhân quyền.
Cách đây ít ngày, cựu chủ tịch FIFA – Sepp Blatter tố cáo Qatar vì đã gian lận trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022. Cụ thể, Qatar bị tố đã nhờ chủ tịch UEFA Platini và tổng thống Pháp thời điểm đó là Nicolas Sarkozy can thiệp nhằm giúp Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022.
Không dừng lại ở đó, mới đây nhất một tổ chức từ thiện có tên là Equidem đã công bố một sự thật “động trời” về nước chủ nhà Qatar trong công tác chuẩn bị World Cup 2022. Theo tờ Independent đưa tin, Qatar bị tố đã phân biệt đối xử và… ăn quỵt tiền lương của những công nhân nhập cư.
Tổ chức từ thiện Equidem cho biết họ đã phỏng vấn 60 công nhân trong khoảng thời gian hai năm qua, những người đã làm việc trên tất cả 8 sân vận động phục vụ World Cup 2022. Tất cả những công nhân trên đều yêu cầu được giấu tên thật, che mặt và sợ bị trả thù.
Theo tiết lộ từ những công nhân trên, Qatar đã tuyển dụng họ một cách bất hợp pháp (tức là nhập cư không giấy phép) và khiến họ chịu khoản nợ khổng lồ. Chỉ đến khi sang Qatar lao động, họ mới vỡ lẽ ra sự thật khó ngờ.
Cụ thể, những người công nhân này phải làm việc trong điều kiện nắng gắt của sa mạc, bị phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch. Những công việc ở các tầng cao và nguy hiểm nhất được dành riêng cho người châu Phi và Nam Á. Thậm chí, họ bị quỵt tiền lương, không được trả tiền tăng ca, ngoài ra họ còn bị bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần.
Người đứng đầu loạt bài nghiên cứu này, Namrata Raju cho biết: “Người hâm mộ cần biết những sự thật này. Những sân vận động họ đang ngồi, những trận bóng họ đang thưởng thức đã được xây dựng làm việc trong điều kiện mà tôi xin phép được dùng bằng từ cưỡng bức.”
“Toàn bộ 60 công nhân trong bài phỏng vấn của tôi đều trả lời trong trạng thái lo sợ, họ sợ bị trả thù. Họ có cảm giác họ luôn bị những con mắt của chính quyền Qatar và những người thuê họ theo dõi.”
Cũng theo tổ chức này, Qatar đã bỏ qua những quy định về “Kafala system” (một hệ thống được sử dụng để giám sát các lao động nhập cư trong lĩnh vực xây dựng tại các quốc gia Trung Đông). Cụ thể, hệ thống này được tạo ra để ràng buộc người lao động với những người sử dụng lao động bằng hợp đồng rõ ràng, hợp pháp.
Chính vì sự phớt lờ với hệ thống này, các công nhân phải làm việc nhiều giờ dưới điều kiện khắc nghiệt trong nhiều tháng liên tục mà không được trả lương. Không dừng lại ở đó, nếu họ nghỉ việc hay đi làm cho bên khác, các công nhân đối mặt với nguy cơ bị trả đũa.
Các công nhân thường sống trong các căn phòng với điều kiện tồi tệ, trải qua nhiều năm mà không trở về nhà hoặc gặp gia đình. Họ lao động quanh năm dưới những tháng mùa hè thiêu đốt, khi nhiệt độ thường xuyên vượt quá 40 độ.
Phía Qatar chưa có phản hồi về bản cáo dài 75 trang kể trên của tổ chức từ thiện Equidem. Có thể thấy World Cup 2022 là một trong những kỳ World Cup đối mặt nhiều thị phi nhất trong lịch sử. Bên cạnh vấn đề nhân quyền, nỗi lo “cháy phòng” khiến Qatar đang chạy đua nhằm phục vụ lượng khách ước tính hơn 1 triệu người.
World Cup 2022 sẽ diễn ra với thời gian cụ thể sẽ là từ 20/11 đến 18/12/2022. Có 32 đội tuyển quốc gia được chia làm 8 bảng từ A đến H để tranh tài. World Cup 2022 cũng là giải đấu cuối cùng có 32 ĐTQG trước khi nâng lên thành 48 vào năm 2026.
(Nguồn: Thethao247